Đưa Hưng Yên trở thành thành phố trực thuộc Trung

Để hiện thực hóa mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2037, Hưng Yên đề ra 3 đột phá chiến lược tập trung vào môi trường kinh doanh, hạ tầng và nhân lực.

Tại phiên họp thẩm định quy hoạch hôm qua (31/8), ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên cho biết, mục tiêu được đặt ra trong Dự thảo Quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là đến năm 2037, tỉnh này trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; năm 2050 là thành phố thông minh, nơi đáng sống của vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng…

Theo Dự thảo Quy hoạch, Hưng Yên phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) giai đoạn 2021 – 2025 đạt khoảng 8%/năm, giai đoạn 2026 – 2030 đạt khoảng 8,5%/năm. GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 đạt 8.550 USD. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt khoảng 12 – 13 tỷ USD vào năm 2030. Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2030 khoảng 58 – 60%.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Phó chủ tịch Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh, Hưng Yên nằm ở trung tâm Đồng bằng Bắc bộ, nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, có lợi thế về hạ tầng giao thông, là nơi cung ứng các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao cho Hà Nội, vùng Thủ đô và cả vùng Đồng bằng sông Hồng. Năm 2022, quy mô kinh tế của Hưng Yên đã đứng thứ 16 trong cả nước và thứ 7 trong vùng Đồng bằng sông Hồng.

Tuy nhiên, tỉnh vẫn còn một số khó khăn, thách thức cần giải quyết như diện tích nhỏ, mật độ dân số lớn, tài nguyên ít, độ mở và tính liên kết của nền kinh tế chưa tương xứng với vị trí chiến lược. Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, thiếu nguồn nhân lực trình độ, tình trạng ô nhiễm môi trường đang là thách thức song hành cùng quá trình phát triển kinh tế…

Vì vậy, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng, để xây dựng một bản quy hoạch tốt, đưa địa phương phát triển vững mạnh, Hưng Yên cần xác định rõ được các tiềm năng riêng có, các thế mạnh khác biệt và nổi trội. Bản quy hoạch lần này phải có cách tiếp cận mới, tư duy mới, mở rộng tầm nhìn phát triển và đưa ra lộ trình thực hiện rõ ràng. Đặc biệt, phát triển phải có trọng tâm, trọng điểm, dựa trên liên kết vùng để tạo hiệu ứng lan tỏa thúc đẩy kinh tế và từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển với các tỉnh dẫn đầu vùng.

Theo đó, Quy hoạch tỉnh Hưng Yên xác định 3 đột phá chiến lược trong thời kỳ 2021 – 2030 gồm: cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại; phát triển nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Về định hướng phát triển các ngành quan trọng, tỉnh sẽ tập trung thu hút đầu tư phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch, giá trị gia tăng lớn, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư lớn, các tập đoàn đa quốc gia. Hình thành các khu công nghiệp quy mô lớn, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, theo hướng công nghệ sạch với các tiêu chí nghiêm ngặt về lựa chọn ngành và đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững.

Về dịch vụ, tập trung phát triển các dịch vụ đào tạo bậc cao, đào tạo nghề, đưa Hưng Yên trở thành địa điểm du lịch trong ngày và cuối tuần dành cho người dân Hà Nội và các tỉnh lân cận đến tham quan các di tích lịch sử, văn hóa, làng nghề, vườn hoa, cây ăn quả và các loại hình du lịch mua sắm, vui chơi – giải trí. Ngoài ra, ưu tiên phát triển các dịch vụ vận tải, logistics, thương mại, khoa học – công nghệ, tài chính – ngân hàng, thông tin và truyền thông, các dịch vụ hạ tầng đô thị.

Về nông nghiệp, tỉnh hướng đến phát triển nông nghiệp đặc sản, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ưu tiên các vùng sản xuất cây ăn quả (nhãn, cây có múi, vải), lúa gạo, dược liệu, hoa cây cảnh. Hình thành các khu vực thử nghiệm và nhân rộng mô hình nông nghiệp thông minh. Thiết lập các mô hình nông nghiệp thông minh, tiến tới xây dựng Hưng Yên trở thành trung tâm nông nghiệp thông minh vùng Đồng bằng sông Hồng.

Về phát triển các khu đô thị, bất động sản, tỉnh sẽ tập trung đầu tư xây dựng, hoàn thiện hạ tầng các khu, cụm công nghiệp;  xây dựng các khu đô thị, các dự án phát triển nhà ở và bất động sản đã có trong quy hoạch, đã có chủ trương hoặc được chấp thuận đầu tư khu vực phía Bắc tỉnh. Đẩy mạnh thu hút đầu tư các khu, cụm công nghiệp, các khu đô thị, các dự án phát triển nhà ở… về phía Nam tỉnh, hướng đến thu hút nhân lực có tay nghề cao về làm việc và sinh sống tại tỉnh Hưng Yên.

Xác định rõ “điểm nghẽn” hạ tầng hiện nay, Hưng Yên sẽ tập trung đầu tư các tuyến quốc lộ, cao tốc, đường sắt, đường thủy, phát triển cảng cạn ICD gắn với logistics. Đồng thời, phát triển hạ tầng lưới điện phân phối trung và hạ áp đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp.

Login

Welcome! Login in to your account

Remember me Lost your password?

Lost Password