Ninh Thuận giải ngân vốn đầu tư công góp phần

Ninh Thuận lập 12 tổ công tác, tập trung giải ngân vốn đầu tư công

Đảm bảo giải ngân vốn đầu tư công được tỉnh Ninh Thuận xác định là 1 trong 5 giải pháp đột phá để đảm bảo thực hiện mục tiêu kinh tế, xã hội 6 tháng còn lại của năm.

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận (bìa trái) trong đợt kiểm tra tiến độ Dự án Môi trường Bền vững các thành phố Duyên Hải – Tiểu dự án TP. Phan Rang – Tháp Chàm. Ảnh: Minh Trường.

Tại Kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh Ninh Thuận khóa XI, ông Lê Kim Hoàng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, so với tình hình công nghiệp chung cả nước giảm sâu, 3 lĩnh vực kinh tế của tỉnh đều tăng trưởng.

Trong đó, đóng góp lớn nhất là công nghiệp xây dựng với 48,5% vào tăng trưởng, đứng thứ 3 so với cả nước; nông lâm nghiệp đóng góp 16%; dịch vụ đóng góp 35%.

Về giải pháp đảm bảo chỉ tiêu kinh tế – xã hội 6 tháng còn lại của năm, theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, tỉnh Ninh Thuận đặt ra 5 giải pháp đột phá trong chỉ đạo điều hành gồm thúc đẩy đầu tư gồm đầu tư công khi còn 2.000 tỷ đồng chưa giải ngân; các giải pháp đột phá về du lịch để khai thác thế mạnh; công nghiêp năng lượng và tái tạo; ổn định nông nghiệp để bù đắp cho tăng trưởng; tháo gỡ cho doanh nghiệp.

Về giải pháp cụ thể, đối với lĩnh vực đầu tư công, ông Hoàng thông tin, UBND tỉnh Ninh Thuận đã lập 12 tổ công tác tiến hành rà soát toàn bộ 38 chủ đầu tư các nguồn vốn để giải ngân, tháo gỡ ngay các nút thắt về giải phóng mặt bằng, thủ tục hành chính.

“Tập trung vào các dự án lớn như giao thông, thủy lợi, đầu tư phát triển bền vững và đẩy nhanh tiến độ dự án du lịch, đô thị, các khu, cụm công nghiệp. UBND tỉnh đã có kế hoạch và tập trung vào tháo gỡ”, ông Hoàng đề cập.

Ông Nguyễn Văn Nhựt, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Ninh Thuận cũng cho rằng, một trong những giải pháp đảm bảo nguồn thu ngân sách trong 6 tháng cuối năm là cần tập trung giải ngân vốn đầu tư công.

“Tập trung giải ngân 2.000 tỷ đồng, đồng nghĩa sẽ có nguồn thu thuế từ đây. Vừa có nguồn thu từ đẩy nhanh tiến độ, vừa có mục tiêu tăng trưởng GRDP, đồng thời tác động tích cực trong việc thu ngân sách, tạo công ăn việc làm”, ông Nhựt khẳng định.

Giải trình về giải pháp phát triển kinh tế, xã hội thời gian còn lại, ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận nhấn mạnh, xác định giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, UBND tỉnh chỉ đạo điều hành quyết liệt để đạt được mục tiêu đề ra.

Theo chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, có 4 dự án, công trình trọng điểm, động lực với phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

4 dự án này gồm Dự án Môi trường Bền vững các thành phố Duyên Hải – Tiểu dự án TP. Phan Rang – Tháp Chàm; Hồ chứa nước sông Than; Đường nối từ thị trấn Tân Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận đi ngã tư Tà Năng, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng; Đường giao thông nối cao tốc Bắc Nam với Quốc lộ 1 và Cảng tổng hợp Cà Ná.

Tuy nhiên, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cũng thừa nhận, khó khăn đối với giải ngân đầu tư công của tỉnh hiện nay đó là trình tự thủ tục giải ngân vốn đầu tư công trung hạn, xây dựng cơ bản còn phức tạp, kéo dài; công tác bồi thường giải phóng mặt bằng còn chậm, vướng mắc làm chậm tiến độ dự án; công tác xác định giá đất còn chậm; công tác kiểm kê còn sai sót dẫn đến khiếu kiện, khiếu nại kéo dài của người dân trong vùng dự án…

“Rà soát, xử lý các vướng mắc, bất cập trong thẩm quyền, kiên quyết xử lý chủ đầu tư để dự án chậm tiến độ, không giải ngân hết vốn; xử lý nghiêm các nhà thầu chây ỳ, thiếu năng lực thi công, chậm tiến độ theo cam kết để đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023. UBND tỉnh Ninh Thuận quyết tâm đạt mục tiêu giải ngân 95%”, ông Nam nêu giải pháp.

Login

Welcome! Login in to your account

Remember me Lost your password?

Lost Password