Đầu tư vào khu công nghiệp Bình Thuận – đường

Những tuyến cao tốc đi vào hoạt động đã kết nối và mở ra con đường lớn cho sự phát triển của Bình Thuận.

Động lực cao tốc

Tỉnh Bình Thuận sở hữu hàng loạt lợi thế phát triển về du lịch, thuỷ sản và cả công nghiệp. Tuy nhiên, nhiều năm qua, điểm nghẽn về hạ tầng giao thông đã kìm hãm tiềm năng và lợi thế đó của Bình Thuận.

Việc kết nối giao thông giữa Bình Thuận với các địa phương khác, nhất là với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chủ yếu thông qua tuyến giao thông chính là Quốc lộ 1A nhưng từ lâu đã quá tải, thường xuyên ùn tắc, hay xảy ra tai nạn nghiêm trọng…

Từ TP.HCM đến được tỉnh Bình Thuận phải mất từ 5-6 giờ ngồi xe. Vì vậy, thiếu kết nối hạ tầng giao thông là lý do chính khiến Bình Thuận gặp khó khăn trong việc thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt là các tập đoàn, dự án lớn.

Nhưng nay những “điểm nghẽn” về giao thông được xoá bỏ, khi trong tháng 4 và tháng 5/2023, 2 tuyến cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết và Phan Thiết – Vĩnh Hảo có tổng chiều dài 199,8 km đã chính thức được thông xe.

Những tuyến đường lớn này đã vẽ lại bản đồ điểm đến, kết nối Bình Thuận gần hơn với các trung tâm kinh tế lớn, khi từ TP.HCM chỉ mất 2 giờ đồng hồ là đến Phan Thiết.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu cắt băng khánh thành cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết.

Các tuyến cao tốc đã phát huy giá trị ngay lập tức đối với sự phát triển của Bình Thuận. Theo thống kê của ngành du lịch, lượng khách đến Bình Thuận trong thời gian vừa qua đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ, các khu vui chơi, lưu trú luôn tấp nập du khách, nhất là những ngày cuối tuần; một số doanh nghiệp FDI, một số trung tâm xúc tiến đầu tư cũng đã đến tìm hiểu cơ hội đầu tư và các khu du lịch, KCN, các ngành nghề nhiều hơn…

Kể từ khi các tuyến cao tốc vận hành, điểm nghẽn giao thông của Bình Thuận không còn tồn tại. Vì thế, đây thực sự là những con đường lớn kết nối Bình Thuận với những trung tâm kinh tế lớn, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tạo động lực to lớn cho phát triển của tỉnh Bình Thuận.

Phát biểu tại lễ khánh thành và thông xe dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Phan Thiết – Dầu Giây thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, ông Đoàn Anh Dũng khẳng định, việc đưa cao tốc đoạn Phan Thiết – Dầu Giây vào sử dụng có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo ra động lực và không gian phát triển mới.

Hai 2 tuyến cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết và Phan Thiết – Vĩnh Hảo mở những con đường lớn để Bình Thuận phát triển.

Chủ tịch tỉnh Bình Thuận cho biết, sẽ tập trung hoàn chỉnh Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Xây dựng và phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu để cập nhật các thông tin về quy hoạch, các cơ chế, chính sách mới của địa phương, góp phần thúc đẩy hợp tác song phương, đa phương, nội vùng và liên vùng, khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế của tỉnh.

Ngoài ra, Bình Thuận sẽ đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hạ tầng giao thông, nhất là các nút giao liên thông, các tuyến đường kết nối từ cao tốc với hệ thống giao thông của tỉnh. Khai thác hiệu quả Cảng quốc tế Vĩnh Tân, kết nối đồng bộ giữa vận tải đường biển, đường bộ, đường sắt và đường hàng không, phát triển mạnh hệ thống dịch vụ logistics. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư; kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư vào Bình Thuận để phát triển 3 trụ cột kinh tế “Công nghiệp, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao”. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp.

Cơ hội cho công nghiệp

Các tuyến cao tốc tạo động lực lớn cho sự phát triển của Bình Thuận, trong đó có công nghiệp, một lĩnh vực giàu tiềm năng của địa phương này.

Trong suốt chiều dài của tuyến cao tốc đi qua tỉnh Bình Thuận, ngoài việc kết nối với các trung tâm du lịch lớn của tỉnh, cao tốc cũng đã kết nối với các khu công nghiệp đã và đang triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật để thu hút đầu tư.

Từ một khu công nghiệp Phan Thiết quy mô 68 ha được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư vào cuối năm 1998. Đến nay, tỉnh Bình Thuận đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đưa vào Quy hoạch phát triển 9 khu công nghiệp với tổng diện tích 3.003,43 ha; gồm 1 khu công nghiệp chuyên ngành chế biến titan và 8 khu công nghiệp đa ngành).

Trong đó có 6 khu công nghiệp đã và đang đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật với tổng diện tích 1.093,43 ha đảm bảo điều kiện để các doanh nghiệp thứ cấp đến tìm kiếm cơ hội đầu tư. Còn lại 3 khu công nghiệp với quy mô 1.910 ha đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, thực hiện đền bù giải tỏa; đây là 3 KCN rất gần Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu, có quy mô diện tích lớn, đa ngành nghề, tập trung thu hút các ngành công nghiệp sử dụng công nghệ hiện đại, không gây ô nhiễm môi trường…

Bên cạnh các cao tốc vừa được Chính phủ đầu tư, Bình Thuận cũng đang nỗ lực, huy động nguồn lực để triển khai nhiều dự án hạ tầng giao thông đồng bộ để kết nối và phát huy hiệu quả với các đoạn cao tốc, tỉnh đang gấp rút hoàn thành dự án làm mới các tuyến đường ven biển ĐT719B (kết nối Phan Thiết – Kê Gà), nâng cấp đoạn ĐT 719 (kết nối Kê Gà – thị xã La Gi) và đoạn Hòn Lan – Tân Hải; đang triển khai đoạn Hàm Kiệm – Tiến Thành…

Sở hữu nhiều tiềm năng, lĩnh vực công nghiệp của tỉnh Bình Thuận được kỳ vọng sẽ tăng tốc phát triển nhờ những tuyến cao tốc.

Đồng thời, tỉnh đang lên phương án đầu tư làm mới tuyến đường từ Tân Minh đến Sơn Mỹ, huyện Hàm Tân. Đây cũng là trục làm mới quan trọng để kết nối từ cao tốc, Quốc lộ 1A xuống thẳng Khu công nghiệp Sơn Mỹ I&II, cảng nước sâu, du lịch…; đầu tư mở rộng quốc lộ 55 kết nối với tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai (thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam – nơi có Khu công nghiệp phát triển hàng đầu cả nước, cảng nước sâu Phú Mỹ, Cảng hàng không quốc tế Long Thành).

Về phía Bắc, tuyến Quốc lộ 28B có nút giao với cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết đã được Bộ Giao thông – Vận tải phê duyệt đầu tư nâng cấp. Tuyến đường này khi hoàn thành sẽ có nhiều lợi thế, tạo nên trục tam giác “TP.HCM – Phan Thiết – Đà Lạt”, kết nối Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ làm tuyến đường kết nối với sân bay Phan Thiết giai đoạn 2, về lâu dài, khi sân bay Phan Thiết được xây dựng hoàn thành thì hạ tầng giao thông đối ngoại của tỉnh xem như hoàn chỉnh.

Với việc đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông, nhất là việc đưa các cao tốc đi vào vận hành, giúp kết nối nhanh với các trung tâm kinh tế lớn, cũng như hạ tầng các khu công nghiệp đã và đang đầu tư ngày càng hoàn chỉnh, hiện đại; những con đường lớn đã mở để thu hút đầu tư, tạo động lực phát triển.

Và công nghiệp, một lĩnh vực mũi nhọn của Bình Thuận đang đứng trước vận hội lớn để bứt tốc phát triển. Sẽ có một dòng vốn lớn của doanh nghiệp và nhà đầu tư tiếp tục rót vào Bình Thuận trong thời gian đến. Bởi dư địa và tiềm năng của Bình Thuận hiện nay vẫn còn rất phong phú.

Login

Welcome! Login in to your account

Remember me Lost your password?

Lost Password