Làm rõ phương án đầu tư tuyến cao tốc TP

Khá nhiều nội dung quan trọng trong Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc TP.HCM – Mộc Bài cần được UBND TP.HCM hiệu chỉnh trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Cấp thiết triển khai sớm

Theo thông tin của Báo Đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư – cơ quan thường trực của Hội đồng Thẩm định liên ngành vừa có Thông báo số 27/TB – BKHĐT về kết luận cuộc họp thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc TP.HCM – Mộc Bài giai đoạn I được tổ chức mới đây tại Hà Nội.

Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trên cơ sở kết quả thẩm định, UBND TP.HCM trong vai trò là cơ quan có thẩm quyền sẽ phải rà soát, giải trình bổ sung và hoàn thiện hồ sơ Dự án, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để hoàn thiện Dự thảo Báo cáo kết quả thẩm định chủ trương đầu tư công trình, sau đó xin ý kiến của các thành viên Hội đồng Thẩm định liên ngành.

Điểm nhấn nổi bật đầu tiên là Hội đồng Thẩm định liên ngành gồm 13 thành viên đã thống nhất rất cao về sự cần thiết của việc sớm triển khai Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc TP.HCM – Mộc Bài giai đoạn I, dài 50 km, vận tốc thiết kế 120 km/h.

Trên thực tế, ngoài ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế – xã hội của TP.HCM và Tây Ninh, Dự án còn góp phần hoàn thiện tuyến đường cao tốc xuyên Á kết nối Việt Nam với các quốc gia trong khu vực. Hiện Campuchia cũng vừa khởi công xây dựng tuyến cao tốc xuyên Á nối Thủ đô Phnom Penh với TP. Bavet, tỉnh Svay Rieng (giáp với tỉnh Tây Ninh) có chiều dài hơn 135 km, quy mô 4 làn xe, trị giá 1,6 tỷ USD, dự kiến hoàn thành vào năm 2027.

Tuy nhiên, Hội đồng Thẩm định liên ngành đề nghị UBND TP.HCM có đánh giá rõ hơn về hiện trạng kết nối giao thông cũng như khả năng và áp lực chịu tải của các tuyến đường kết nối giữa TP.HCM với Mộc Bài, đồng thời phân tích thêm những rủi ro nếu dự án này chưa được đầu tư vào thời điểm hiện tại.

Liên quan đến sự phù hợp của Dự án với các quy hoạch có liên quan, Hội đồng Thẩm định liên ngành đề nghị UBND TP.HCM bám sát Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ, giải phóng mặt bằng theo quy mô 6 làn đầy đủ, đầu tư xây dựng 4 làn cao tốc đầy đủ cho giai đoạn I, 6 làn cao tốc đầy đủ cho giai đoạn II của Dự án.

Bên cạnh đó, trong Tờ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án và Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cần thể hiện rõ định hướng, cam kết của TP.HCM trong việc cập nhật, điều chỉnh quy hoạch Thành phố, quy hoạch của ngành giao thông trong việc định hướng đầu tư 8 làn cao tốc đầy đủ đoạn đi qua TP.HCM, đặc biệt lưu ý xem xét, nghiên cứu đầu tư đoạn kết nối với TP.HCM đầu tư 10 làn cao tốc để đảm bảo hạn chế tối đa tình trạng tắc nghẽn như hiện nay.

Nếu Dự án kịp hoàn thành vào năm 2027 thì lộ trình từ điểm đầu giao với đường vành đai 3 thuộc huyện Củ Chi, đến điểm cuối cùng cách cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) 5 km chỉ mất khoảng 30 phút so với 2 giờ 30 phút di chuyển trên Quốc lộ 22 hiện hữu.

Suất đầu tư cao

Một điểm cấn cá khác trong Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án cần được UBND TP.HCM làm rõ là sơ bộ tổng mức đầu tư Dự án. Hội đồng Thẩm định liên ngành cho rằng, chi phí xây dựng, thiết bị thuyết minh tại Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi là tương đối cao.

“Đề nghị UBND TP.HCM cập nhật lại suất vốn đầu tư và áp đúng suất đầu tư theo Quyết định số 510/QĐ-BXD ngày 19/5/2023 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về công bố suất vốn đầu tư công trình và giá xây dựng tổng hợp bộ phận kết cấu công trình năm 2022 và sử dụng các dữ liệu của các công trình tương tự đảm bảo tính phù hợp, chính xác”, Hội đồng Thẩm định liên ngành khuyến nghị.

Tại Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, giai đoạn I, Dự án thực hiện theo phương thức PPP – hợp đồng BOT với tổng vốn khoảng 16.729 tỷ đồng (bao gồm lãi vay trong thời gian xây dựng), trong đó, ngân sách nhà nước 7.433 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng, còn lại là vốn nhà đầu tư huy động. Nhà đầu tư thu phí hoàn vốn dự kiến là 18 năm 1 tháng, thời gian cụ thể sẽ xác định trong tiến trình đàm phán.

Trước đó, tại Công văn số 6665/BGTVT – KHĐT gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham gia ý kiến về Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án, Bộ GTVT cho rằng, với chiều dài tuyến khoảng 50 km, việc công trình có tổng mức đầu tư lên tới 20.889 tỷ đồng và chi phí xây dựng, thiết bị 9.229 tỷ đồng là tương đối cao so với các dự án có quy mô, điều kiện địa hình tương tự và cùng khu vực.

Ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ GTVT đề nghị UBND TP.HCM chỉ đạo Tư vấn tiếp tục rà soát, cập nhật chuẩn xác lại tổng mức đầu tư, đồng thời rà soát lại chi phí giải phóng mặt bằng, hiện chi phí này chiếm khoảng 33,7% tổng mức đầu tư Dự án.

Bộ GTVT cũng kiến nghị Chủ tịch Hội đồng Thẩm định liên ngành xem xét, quyết định lựa chọn tư vấn thẩm tra đủ năng lực thực hiện thẩm tra các nội dung liên quan đến xác định thông số tài chính chủ yếu như lưu lượng xe, lãi suất vay, chi phí khai thác… để có đánh giá chính xác hơn về tính khả thi dự án.

Bên cạnh đó, tại Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án, phần vốn BOT do nhà đầu tư huy động là 10.957 tỷ đồng, chiếm khoảng 52% tổng mức đầu tư, dự kiến giải ngân giai đoạn 2024 – 2027. Bộ GTVT cho rằng, đây là mức vốn tương đối lớn đối với nhà đầu tư trong nước trong điều kiện hiện nay.

Chia sẻ quan điểm trên, theo đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, nhu cầu vay vốn tín dụng được đề cập tại Hồ sơ Dự án là khoảng 9.313 tỷ đồng (85% tổng mức đầu tư huy động). Tuy nhiên, UBND TP.HCM chưa báo cáo rõ thời hạn vay, tiến độ giải ngân vốn, kế hoạch trả nợ… trong khi Dự án có thời gian hoàn vốn dài (gần 20 năm).

“Hiện nay, nguồn vốn của các tổ chức tín dụng trong nước chủ yếu là ngắn hạn, do đó khó cân đối để cho vay với thời hạn dài. Để đảm bảo đủ nguồn vốn thực hiện Dự án, đề nghị UBND TP.HCM nghiên cứu đa dạng các nguồn vốn huy động, giảm sự phụ thuộc vào nguồn vốn của tổ chức tín dụng”, đại diện Ngân hàng Nhà nước đề xuất.

Login

Welcome! Login in to your account

Remember me Lost your password?

Lost Password