Hé lộ những cơ hội tỷ USD trong thu hút

Dù hiện tại, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn trong xu hướng giảm, nhưng rất nhiều cơ hội đang ở phía trước.

Thương vụ SMBC (Nhật Bản) mua 15% vốn điều lệ của VPBank đã hâm nóng dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam

Thương vụ “hâm nóng” thị trường Việt

Không nằm ngoài dự đoán, sau thương vụ VPBank bán cổ phần cho Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC – Nhật Bản), với tổng giá trị lên tới khoảng 1,5 tỷ USD, số liệu thống kê về tình hình thu hút FDI của Việt Nam đã được cải thiện đáng kể.

Theo đó, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký trong 4 tháng đầu năm ước đạt gần 8,9 tỷ USD, chỉ còn giảm 17,9% so với cùng kỳ năm trước, thay vì giảm tới 38,8% sau 3 tháng. Trong đó, vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần đã đảo chiều ngoạn mục, từ mức chỉ đạt 1,22 tỷ USD trong 3 tháng, giảm 25,5%, đã vọt lên 3,1 tỷ USD, tăng 70,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thương vụ tỷ USD của VPBank và SMBC, có thể nói, đã “hâm nóng” thị trường M&A Việt Nam và cũng làm “ấm” lên dòng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

“Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn rất tin tưởng vào tiềm năng tăng trưởng của thị trường Việt Nam”, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhận định.

Thị trường tài chính – ngân hàng Việt Nam từ lâu đã luôn hấp dẫn nhà đầu tư ngoại. Khi việc mở ngân hàng 100% vốn nước ngoài mới đang bị siết lại, muốn thâm nhập thị trường Việt Nam, thì cách nhanh nhất chính là góp vốn, mua cổ phần của các ngân hàng nội.

“Mặc dù thế giới đang có nhiều bất ổn, song chúng tôi tin tưởng vào sự phát triển của Việt Nam cũng như tin rằng, VPBank sẽ trở thành ngân hàng hàng đầu tại Việt Nam trong tương lai. SMBC cam kết sẽ hỗ trợ toàn diện để VPBank đạt mục tiêu này”, ông Jun Ohta, Giám đốc Điều hành SMBC phát biểu trong buổi VPBank ký kết thỏa thuận về việc phát hành riêng lẻ 15% vốn điều lệ cho SMBC.

Đó không phải là cơ hội tỷ USD duy nhất. Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với các nhà đầu tư nước ngoài mới đây, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã tiết lộ một tin mừng, đó là ngay tại Hội nghị, đã có 3 tập đoàn trao đổi với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cam kết đầu tư mới và đầu tư mở rộng trong năm nay, với tổng vốn đầu tư dự kiến tới 3,7 tỷ USD.

Đây là các dự án của nhà đầu tư Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản, dự kiến đầu tư vào lĩnh vực sản xuất xanh, sản xuất năng lượng tái tạo, sản xuất trong lĩnh vực thiết bị y tế. Trong đó, dự án sản xuất xanh, năng lượng tái tạo dự kiến quy mô vốn khoảng 1,5 tỷ USD; dự án sản xuất trang thiết bị y tế khoảng 600 triệu USD; còn dự án sản xuất năng lượng, logistics khoảng 1,6 tỷ USD.

Trong khi vẫn phải chờ đợi các dự án này được hiện thực hóa, thì một thông tin tích cực khác, đó là Tập đoàn Quanta Computer (Đài Loan) vừa ký thỏa thuận với UBND tỉnh Nam Định về việc phát triển dự án sản xuất máy tính quy mô lớn tại KCN Mỹ Thuận. Dự án có vốn đầu tư khoảng 120 triệu USD, xây dựng trên diện tích 22,5 ha.

Đây là nhà máy thứ 9 của Quanta trên toàn cầu, nhưng lại là nhà máy đầu tiên của tập đoàn công nghệ này tại Việt Nam. Thông tin thú vị là, Quanta chính là đối tác sản xuất MacBook của Apple, bởi thế, sự xuất hiện của tập đoàn này cũng đồng nghĩa với việc “ông lớn” Apple đang tiếp tục xu hướng dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam.

Một thông tin khác, hồi đầu tháng 4/2023, UBND tỉnh Thái Bình cũng đã ký Biên bản ghi nhớ về việc nghiên cứu đầu tư Dự án Xây dựng và Kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp Dược – Sinh học với Quỹ Makara Capital Partners, Sakae Corporate Advisory và CTCP Newtechco Group. Tuy dự án này chỉ có vốn đầu tư dự kiến khoảng 150-200 triệu USD, nhưng theo kế hoạch, có thể thu hút được khoảng 2,8 tỷ USD vốn đầu tư thứ cấp trong các lĩnh vực dược phẩm, sinh học.

Hiện thực hóa các cơ hội

Cơ hội là không nhỏ, nhưng điều quan trọng là làm sao hiện thực hóa được các cơ hội tỷ USD này. Bởi thực tế, rất có thể, các dự án quy mô lớn sẽ lại gặp vấn đề liên quan đến thuế tối thiểu toàn cầu.

Cục Đầu tư nước ngoài, khi công bố số liệu về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài 4 tháng đầu năm, dù vẫn nhấn mạnh yếu tố tích cực là số lượng dự án đăng ký mới tăng mạnh (65,2%) so với cùng kỳ năm ngoái, song một lần nữa nhắc đến thực tế là “có dấu hiệu các tập đoàn lớn cẩn trọng, xem xét kỹ việc tiếp tục đầu tư lớn vào Việt Nam trong bối cảnh tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu”.

Tại cuộc đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ với các nhà đầu tư nước ngoài, ông Kim Sung Hun, Tổng giám đốc Công ty Amkor Technology Việt Nam đã thẳng thắn đề nghị, Chính phủ cần sớm đưa ra quyết định cũng như các biện pháp để đối phó với tình trạng xấu đi của môi trường đầu tư khi chính sách thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng.

Amkor là tập đoàn chuyên sản xuất linh kiện, sản phẩm bán dẫn và đã quyết định đầu tư dự án 1,6 tỷ USD vào Bắc Ninh, trong đó giai đoạn I là 500 triệu USD. Theo kế hoạch, nhà máy này sẽ đi vào hoạt động cuối năm nay. Có thể, Amkor cũng sẽ là đối tượng chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu, thế nên, việc nhà đầu tư này lo lắng về phản ứng chính sách của Chính phủ Việt Nam là điều dễ hiểu.

Các nhà đầu tư, chuyên gia kinh tế trong thời gian qua cũng đã nhiều lần cảnh báo rằng, nếu không kịp thời có đối sách, cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam sẽ bị giảm điểm, cơ hội đón “đại bàng” sẽ bị ảnh hưởng.

Không chỉ là vấn đề thuế tối thiểu toàn cầu, nhiều vấn đề liên quan đến môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam cũng được các nhà đầu tư nước ngoài khuyến nghị là cần tiếp tục cải cách. Ngay ông Kim Sung Hun cũng khuyến nghị rằng, Việt Nam cần đưa ra các quy chuẩn rõ ràng, chi tiết hơn về các văn bản dưới luật liên quan đến phòng cháy, chữa cháy, đồng thời nới lỏng các quy định khi kiểm duyệt, thẩm định các mô hình đặc thù kinh doanh của những ngành nghề sử dụng công nghệ cao

“Tốc độ xử lý thủ tục hành chính ở Việt Nam vẫn chậm. Tới 66% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, các thủ tục hành chính có vẻ đang chậm lại, trong khi con số này ở ASEAN chỉ là 47%. Do đó, Việt Nam cần phải loại bỏ các chi phí không chính thức. Doanh nghiệp cần thực hiện các thủ tục hành chính thông suốt và minh bạch”, ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) tại Hà Nội nói.

Liên quan đến vấn đề thuế tối thiểu toàn cầu, Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham) đề xuất, Việt Nam nên chuyển hướng ưu đãi dựa trên chi phí, thay vì dựa trên thu nhập như lâu nay, bao gồm cả ưu đãi bằng tiền, hỗ trợ cho các hoạt động như R&D, đào tạo nhân lực…

Các vấn đề về phê duyệt hạ tầng phòng cháy, chữa cháy, hay cơ chế cấp phép cho lao động nước ngoài cũng là những vướng mắc cần giải quyết, để các doanh nghiệp có thể yên tâm mở rộng đầu tư, kinh doanh.

Login

Welcome! Login in to your account

Remember me Lost your password?

Lost Password