Đà Nẵng tìm cách triển khai các khu công nghiệp

Quỹ đất trong các khu công nghiệp dần cạn, nhưng Đà Nẵng vẫn đang loay hoay lựa chọn nhà đầu tư cho các dự án khu công nghiệp mới.

Giậm chân tại chỗ

Để phát triển lĩnh vực công nghiệp, tạo động lực tăng trưởng bền vững, thay vì quá phụ thuộc vào dịch vụ du lịch, từ năm 2019, TP. Đà Nẵng đã ban hành các quyết định quy hoạch xây dựng 3 khu công nghiệp mới. Đó là, Khu công nghiệp Hòa Cầm giai đoạn II, diện tích 120 ha, tổng vốn đầu tư hơn 2.100 tỷ đồng; Khu công nghiệp Hòa Ninh diện tích 400 ha, tổng vốn hơn 6.000 tỷ đồng và Khu công nghiệp Hòa Nhơn diện tích 360 ha, tổng vốn hơn 5.600 tỷ đồng.

Những khu công nghiệp mới được kỳ vọng sớm được hoàn thành, đáp ứng nhu cầu lớn của doanh nghiệp, nhà đầu tư, bởi các khu công nghiệp hiện hữu của TP. Đà Nẵng đã cạn quỹ đất, gần như đã được lấp đầy. Giữa năm 2020, cả 3 khu công nghiệp được tổ chức đấu thầu rộng rãi lựa chọn nhà đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng. Nhưng những nhà đầu tư quan tâm đều không đáp ứng được yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm, nên Đà Nẵng buộc phải thông báo hủy thầu bước sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư.

Đến năm 2022, sau khi được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch 3 khu công nghiệp mới, Đà Nẵng tiếp tục mời thầu nhà đầu tư quan tâm, nộp hồ sơ. Song hiện cả 3 dự án vẫn “giậm chân tại chỗ”, chưa tìm được chủ đầu tư để triển khai xây dựng.

Theo Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các Khu công nghiệp TP. Đà Nẵng, đối với Khu công nghiệp Hòa Cầm giai đoạn II, UBND Thành phố đã có quyết định phê duyệt hình thức lựa chọn nhà đầu tư dự án là “đấu thầu rộng rãi”. Ban Quản lý đang xây dựng quy trình chi tiết về lựa chọn nhà đầu tư cho dự án, dự kiến hoàn thành trong quý I/2024.

Đối với Khu công nghiệp Hòa Nhơn, UBND TP. Đà Nẵng đã thống nhất ranh giới và diện tích khu công nghiệp này giảm còn khoảng 237 ha. Tuy nhiên, Đồ án quy hoạch phân khu Khu công nghiệp Hòa Nhơn đang bị trùng lắp về khối lượng với Đồ án quy hoạch phân khu Trung tâm lõi xanh do Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ưu tiên TP. Đà Nẵng đang triển khai. Vì vậy, Ban Quản lý đã có báo cáo gửi UBND TP. Đà Nẵng và chờ chỉ đạo để triển khai.

Trong khi đó, Khu công nghiệp Hòa Ninh đang vướng mắc liên quan đến thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng.

Chọn phương án nào?

Ông Trần Văn Tỵ, Phó trưởng ban Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp TP. Đà Nẵng cho hay, theo quy định pháp luật, việc lựa chọn nhà đầu tư của dự án kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp thực hiện theo 2 khung pháp luật khác nhau. Đó là Nghị định số 25/2020/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ tháng 4/2020, thay thế cho Nghị định số 30/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư. Ngoài ra, Luật Đầu tư 2020 có hiệu lực từ ngày 1/1/2021.

Như vậy, nảy sinh 2 phương án. Phương án thứ nhất là thực hiện lựa chọn nhà đầu tư theo Luật Đấu thầu và điểm b, khoản 2, Điều 1, Nghị định số 25/2020/NĐ-CP. Trong trường hợp này, sẽ thực hiện theo 2 bước là thông báo mời gọi, đánh giá nhà đầu tư quan tâm. Nếu có một nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu năng lực sơ bộ về tài chính, kinh nghiệm, thì nộp hồ sơ trình chấp thuận nhà đầu tư và thực hiện thủ tục theo quy định pháp luật, đảm bảo công khai, minh bạch. Nếu có từ 2 nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu, thì tổ chức đấu thầu dự án.

Phương án thứ hai thực hiện chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo khoản 4, Điều 29, Luật Đầu tư 2020.

Theo Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp TP. Đà Nẵng, tháng 12/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Hòa Ninh. Chính phủ sau đó yêu cầu TP. Đà Nẵng chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện trình tự, thủ tục và trình cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dựng rừng theo quy định; gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để hoàn thiện hồ sơ và dự thảo quyết định chủ trương đầu tư dự án trình Thủ tướng xem xét, quyết định.

Theo Ban Quản lý, quá trình triển khai Khu công nghiệp Hòa Cầm giai đoạn II được áp dụng theo các quy định của Luật Đấu thầu. Vì vậy, kể từ khi có Quyết định chủ trương đầu tư dự án của Thủ tướng Chính phủ, mới thực hiện được bước 1 là xác định hình thức đấu thầu rộng rãi, tổ chức thực hiện bước 2 để lựa chọn nhà đầu tư.

“Như vậy, từ khi TP. Đà Nẵng nộp hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư đến khi có quyết định lựa chọn nhà đầu tư mất đến 3 năm, kéo quá dài. Trong khi đó, nếu thực hiện theo phương án 2, thì chỉ mất khoảng một năm. Để đẩy nhanh tiến độ lựa chọn nhà đầu tư Khu công nghiệp Hòa Ninh, Ban Quản lý đề xuất thực hiện phương án 2. TP. Đà Nẵng tìm hiểu kêu gọi nhà đầu tư tiềm năng để hướng dẫn lập hồ sơ trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định và Thủ tướng Chính phủ quyết định”, Ban Quản lý đề xuất.

TP. Đà Nẵng cần chọn một phương án tốt nhất để nhanh chóng hình thành những khu công nghiệp mới, nếu không thì mục tiêu phát triển công nghiệp và động lực thu hút đầu tư của Thành phố sẽ dần cạn kiệt.

Login

Welcome! Login in to your account

Remember me Lost your password?

Lost Password