Đẩy lùi nạn xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ,
Quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp
Hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả, hàng nhái mang lại siêu lợi nhuận cho các đối tượng vi phạm pháp luật.
Do đó, nhiều cá nhân, tổ chức đã bất chấp mọi thủ đoạn, sử dụng nhiều chiêu thức tinh vi, đưa ra thị trường những loại hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt có những loại mang nhãn hiệu trùng hoặc khác biệt rất nhỏ so nhãn hiệu của những nhà sản xuất có danh tiếng, uy tín, nhằm đánh lừa người tiêu dùng.
Khoa học và công nghệ (KH&CN) phát triển, một mặt mang lại cho xã hội cơ hội được sử dụng những hàng hóa hiện đại, nhiều công dụng, nhưng mặt khác cũng cung cấp cho những đối tượng sản xuất hàng giả, hàng xâm phạm quyền công cụ để họ có thể tạo ra những sản phẩm, nhãn mác, bao bì giả không khác gì hàng thật, rất khó phân biệt, khiến cho các cơ quan thực thi quyền khó khăn trong việc phát hiện và xử lý xâm phạm.
Hàng hóa bị vi phạm đa dạng; địa bàn sản xuất, buôn bán hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả, hàng nhái xuất hiện khắp mọi nơi. Điều này, cũng khiến cho việc đấu tranh chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền gặp nhiều khó khăn.
Các chế tài xử lý vi phạm – dường như chưa đủ sức răn đe, chưa khiến cho đối tượng thực hiện hành vi xâm phạm thấy sợ hoặc không muốn thực hiện hành vi đó nữa; nhiều cơ quan thực thi, nhất là thực thi hành chính, dẫn đến sự phối hợp chưa đồng bộ và thống nhất. Thực tế, chưa có nhiều tổ chức giám định sở hữu công nghiệp để hỗ trợ các cơ quan thực thi quyền xác định hành vi xâm phạm.
Về phía chủ thể quyền, đa phần chưa chủ động trong việc tự bảo vệ quyền của mình, còn tâm lý trông chờ vào sự bảo vệ của Nhà nước, trong khi chính họ, hơn ai hết, là những người có thể chỉ ra được đâu là hàng thật, đâu là hàng giả để thông tin cho người tiêu dùng lựa chọn được hàng thật, bài trừ hàng giả, hàng xâm phạm quyền.
Đối với công chúng, một bộ phận không nhỏ người kinh doanh thương mại, người tiêu dùng chấp nhận hàng giả, hàng xâm phạm quyền vì lý do giá trị của chúng phù hợp với điều kiện kinh tế của họ. Mặt khác, văn hóa tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của người khác, bài trừ hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ chưa thành nét văn hóa phổ biến trong xã hội.
Theo đại diện Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN), để ứng phó với tình trạng này, vai trò của doanh nghiệp – chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động thực thi là rất quan trọng. Luật Sở hữu trí tuệ cũng quy định đây không chỉ là quyền, mà còn là trách nhiệm của các doanh nghiệp trong việc phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền đấu tranh phòng và chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình, doanh nghiệp cần thực hiện các bước: Đăng ký bảo hộ; theo dõi thị trường (quản lý, giám sát tình trạng hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp); tìm hiểu kỹ chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan thực thi để dễ dàng và nhanh chóng trong các hoạt động phối hợp; thông qua các phương tiện truyền thông, quảng cáo để tạo ấn tượng cho người tiêu dùng về sản phẩm và nhận diện nhãn hiệu của mình; tạo cầu nối giữa người sản xuất và người tiêu dùng.
Nhà sản xuất cần bỏ kinh phí để thông báo đến người tiêu dùng nhằm phân biệt hàng thật của mình và hàng giả; có chính sách khen thưởng kịp thời cho những người tiêu dùng phát hiện ra hàng giả, hàng nhái; không ngừng tìm tòi, ứng dụng tiến bộ KH-KT và công nghệ, đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, giảm giá thành sản phẩm phù hợp với người tiêu dùng (nếu có thể).
Kiểm tra hàng hóa, bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Để góp phần giữ ổn định thị trường, bảo vệ quyền và lợi ích của người tiêu dùng, doanh nghiệp làm ăn chân chính, Cục Sở hữu trí tuệ tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp nhằm đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ; rà soát, phân định rõ chức năng nhiệm vụ, từng bước tinh giản đầu mối cơ quan có thẩm quyền xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bằng biện pháp hành chính.
Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan hành chính nhà nước và với các cơ quan tư pháp trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; phối hợp nghiên cứu về việc tăng cường vai trò của tòa án trong giải quyết các vụ việc về sở hữu trí tuệ; tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, nhất là hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong môi trường kỹ thuật số; nâng cao hiệu quả thực hiện biện pháp kiểm soát hàng hóa xuất nhập khẩu liên quan đến sở hữu trí tuệ.
Tích cực và chủ động phát hiện, phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm về sở hữu trí tuệ; nâng cao hiệu quả công tác điều tra các vụ án hình sự về sở hữu trí tuệ; khuyến khích giải quyết các tranh chấp về sở hữu trí tuệ bằng hình thức trọng tài, hòa giải; khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chủ động tự bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ sở hữu trí tuệ cho đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Tích cực mở rộng xã hội hóa đi đôi với nâng cao chất lượng hoạt động bổ trợ tư pháp về sở hữu trí tuệ; phát triển đội ngũ giám định viên sở hữu trí tuệ; thúc đẩy phát triển dịch vụ giám định sở hữu trí tuệ và dịch vụ tư vấn pháp luật về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Đẩy mạnh hoạt động xác lập quyền sở hữu công nghiệp, từng bước đảm bảo việc xử lý đơn đăng ký đúng thời hạn nhằm tạo cơ sở vững chắc cho việc xác định chủ thể quyền và đối tượng được bảo hộ, từ đó làm tiền đề cho hoạt động thực thi quyền. Tích cực phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan trong hệ thống thực thi quyền, thông qua việc cung cấp ý kiến chuyên môn xác định phạm vi bảo hộ, yếu tố xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp cũng như nâng cao nguồn nhân lực cho hệ thống.
Nâng cao chất lượng, tăng cường hiệu quả, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các chủ thể có liên quan trong việc xác lập và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Xây dựng cơ chế phối hợp, trao đổi thông tin, chuyên môn thường xuyên giữa Cục Sở hữu trí tuệ và các cơ quan thực thi quyền nhằm từng bước tạo sự thống nhất trong nhận định và cách thức xử lý các vụ việc cùng bản chất. Định kỳ tập hợp các vụ việc điển hình để chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn giữa các cơ quan.
Triển khai các biện pháp hiệu quả nhằm tăng số lượng và chất lượng giám định viên sở hữu công nghiệp, từ đó tạo nguồn nhân lực hỗ trợ chuyên môn cho lực lượng làm công tác thực thi quyền sở hữu công nghiệp.