Lập quỹ đầu tư nhà nước để thu hút vốn

Lập quỹ đầu tư nhà nước để thu hút vốn gián tiếp nước ngoài

Thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chỉ có giới hạn, vì vậy, cần phải thành lập tổ chức đầu tư chuyên nghiệp 100% vốn nhà nước tạo điều kiện thu hút vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài.

Ông Nguyễn Chí Thành, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC)

Đó là quan điểm của ông Nguyễn Chí Thành, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) trong cuộc trao đổi với Báo Đầu tư.

Thưa ông, ý tưởng thành lập quỹ đầu tư tài chính chuyên nghiệp 100% vốn nhà nước đến giờ đã được triển khai ở giai đoạn nào?

Sau khi nghiên cứu mô hình, tổ chức, hoạt động, quản trị, thu hút vốn, đầu tư vốn… của các quỹ đầu tư nhà nước trên thế giới, nhiều chuyên gia kinh tế – tài chính đã kiến nghị Việt Nam cần phải thành lập quỹ đầu tư nhà nước từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ khóa trước. Tuy nhiên, thời điểm đó đang trong quá trình nghiên cứu, thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC), nên việc thành lập quỹ đầu tư mới chỉ ở giai đoạn nghiên cứu.

Sau đó, ngày 20/4/2020, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã chủ trì cuộc họp với CMSC và SCIC cùng đại diện nhiều bộ, ngành để bàn về vấn đề này, vì hoạt động đầu tư hiện hữu của SCIC đạt hiệu quả rất cao, nhưng hoạt động đầu tư mới còn hạn chế, chưa phát huy được tiềm năng, cũng như chưa đáp ứng kỳ vọng của Chính phủ.

Từ sau cuộc họp trên đến nay, ý tưởng thành lập quỹ đầu tư tài chính nhà nước đã tiến thêm được bước nào nữa?

Sau cuộc họp trên, không may là đại dịch Covid-19 tràn vào khiến mọi hoạt động của nền kinh tế cũng như toàn xã hội gần như bị tê liệt, đặc biệt là hoạt động đầu tư, nên ý tưởng thành lập quỹ đầu tư nhà nước cũng tạm ngưng. Sau khi dịch bệnh qua đi, việc nghiên cứu đã được tái khởi động với mục tiêu là hoạt động đầu tư (cùng với đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp) trở thành một trong 2 lĩnh vực kinh doanh cốt lõi, quyết định thành công của mô hình SCIC.

Hiện tại, chúng tôi đã hoàn thiện Chiến lược Phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 và Đề án tái cơ cấu trình các cấp có thẩm quyền trước khi trình Thủ tướng Chính phủ thông qua. Khi Chiến lược và Đề án được thông qua, việc thành lập quỹ đầu tư nhà nước sớm được thực hiện.

Thưa ông, có nhất thiết phải thành lập quỹ đầu tư nhà nước không khi mà SCIC thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý, sử dụng, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước tại doanh nghiệp được đánh giá là khá hiệu quả?

Danh mục đầu tư của SCIC hiện gồm 119 doanh nghiệp, với số vốn nhà nước 47.831 tỷ đồng trên tổng vốn điều lệ 166.022 tỷ đồng. Năm 2022, doanh thu của SCIC đạt 10.694 tỷ đồng, bằng 151% năm 2021 và đạt 135% kế hoạch; lợi nhuận sau thuế đạt 6.836 tỷ đồng, bằng 191% kế hoạch.

Những số liệu trên cho thấy hoạt động của SCIC hiện tại rất hiệu quả. Tuy nhiên, năm 2022, chúng tôi chỉ tiếp nhận 8.524 tỷ đồng vốn nhà nước tại 10 doanh nghiệp, trong khi đã thoái vốn tại 26 doanh nghiệp. Hoạt động thoái vốn tiếp tục được SCIC đẩy mạnh, nên danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước do SCIC làm đại diện chủ sở hữu sẽ giảm mạnh, vì vậy cần phải mở rộng hoạt động đầu tư.

Muốn mở rộng hoạt động đầu tư, trước mắt là đầu tư vào những ngành nghề, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế theo yêu cầu của Chính phủ, thì phải thành lập quỹ đầu tư nhà nước. Bởi với cơ chế hiện nay, năm 2022, SCIC chỉ tiếp tục tăng cường tham gia hỗ trợ doanh nghiệp có vốn của SCIC trong triển khai các dự án nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Còn hoạt động đầu tư mới cũng chỉ triển khai nghiên cứu một số cơ hội đầu tư, như đầu tư tái cơ cấu Bệnh viện Giao thông vận tải, Dự án Hệ thống cung cấp nhiên liệu tàu bay (bên trong Cảng Hàng không quốc tế Long Thành), Dự án Cảng đầu nguồn và hệ thống đường ống cung cấp nhiên liệu tàu bay cho Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Dự án Cảng Cái Mép Hạ và phương án đầu tư mua cổ phần một số ngân hàng thương mại.

Do vậy, dứt khoát phải thành lập quỹ đầu tư nhà nước?

Muốn có nguồn lực phát triển kinh tế, ngoài nguồn vốn đầu tư trực tiếp, phải đẩy mạnh thu hút nguồn vốn gián tiếp nước ngoài. Năm 2022, Việt Nam chỉ thu hút được 5,15 tỷ USD vốn gián tiếp, giảm hơn 25% so với năm 2021. Trong tháng 1/2023, dòng vốn này tiếp tục bị giảm rất mạnh (giảm 60,7%) so với cùng kỳ  năm 2022 khi chỉ thu hút được khoảng 174 triệu USD.

Muốn khơi thông nguồn vốn đầu tư gián tiếp, cần phải có quỹ đầu tư nhà nước. Vì vậy, phải sớm xây dựng SCIC trở thành nhà đầu tư của Chính phủ – tổ chức đầu tư tài chính nhà nước hàng đầu khu vực để cạnh tranh với các quỹ đầu tư nước ngoài.

Login

Welcome! Login in to your account

Remember me Lost your password?

Lost Password